Giải Pháp Giảm Tỷ Lệ Phá Thai Ở Tuổi Vị Thành Niên
GD&TĐ - Một số nghiên cứu cho thấy: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên chưa lập gia đình. Thực trạng trên cho thấy, đã đến lúc cần phải có những hành lang pháp lý đối với dịch vụ này.
Ảnh có tính chất minh họa/internet
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc giảm tỷ lệ phá thai qua từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên chưa lập gia đình cũng đang ở mức báo động.
Theo ông Nguyễn Đình Bách - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế), chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hàng năm có khoảng 5.000 ca phá thai, trong đó có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi, có em 15 tuổi đã phá thai 2 lần. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ này khoảng 18% nhưng tuổi đời của thai phụ trẻ hơn (trung bình 20 tuổi).
"Điều lo lắng nhất hiện nay là, khi có thai các em thường không biết xử lý phù hợp, thường đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn. Chính vì vậy khi thai to tiến hành phá thai rất có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Vô sinh vĩnh viễn, thậm chí là gây tử vong ở người mẹ v..." - Ông Bách lo ngại.
Mặc khác, thanh niên thời nay có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân, có tới 44% thanh, thiếu niên được hỏi chấp nhận quan hệ trước hôn nhân, trong đó nhóm đối tượng từ 14 tuổi đến 17 tuổi là 36%, nhóm tuổi từ 18 đến 21 là 51% và nhóm tuổi từ 22 đến 25 là 54%. Điều này cho thấy xu hướng chấp nhận tình dục trước hôn nhân đang gia tăng trong thanh, thiếu niên.
Cùng với đó là nhận thức của vị thành niên, thanh niên vê giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, còn nhiều hạn chế. Mặc dù kiến thức về vấn đề này đã được tích hợp trong một số môn học, được giảng dạy trong chương trình chính thức của nhà trường.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Thời lượng được phân bổ còn thấp, thiếu đội ngũ giáo viên chuyên môn sâu, thường kiêm nhiệm, lồng ghép với các môn học khác.
Bên cạnh đó, một số rào cản về tâm lý, văn hóa khiến các giáo viên e ngại, chưa phân tích sâu các vấn đề khi giảng về giới tính, tình dục, sinh sản với học sinh, nhất các học sinh lớp trên.
Trong khi đó cha mẹ, gia đình còn thiếu gần gũi, quan tâm đến các em, chưa có biện pháp tiếp cận và cung cấp kiến thức, kinh nghiệm về tình dục, sinh sản cho con cái phù hợp nên hiệu quả thấp.
Ngoài ra, một số bộ phận vị thành niên, thanh viên không tiếp cận được với dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và cung cấp phương tiện tránh thai.
Nguyên nhân là do rào cản về phong tục và định kiến xã hội tạo nên. Kênh và hình thức cung cấp phương tiện tránh thai chưa phù hợp, chưa có dịch vụ dành riêng cho vị thành niên, thanh niên mà mới chủ yếu tập trung cho các cặp vợ chồng. Ngoài ra, chưa thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn cho vị thành niên, thành niên về các dịch vụ này.
Đặc biệt, quy định của pháp luật về phá thai còn chưa chặt chẽ. Cụ thể, theo quy định tại Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 thì "phụ có quyền được phá thai theo nguyện vọng". Từ quy định rất mở này đã dẫn tới một số bất cập trong qúa trình triển khai thực hiện Luật.
Theo đó, một số phụ nữ đã lạm dụng việc phá thai, thay vì thực hiện các biện pháp phòng tránh thai ngoài ý muố bằng lựa chọn phá thai, trong đó có vị thành niên và thanh niên.
Mặt khác thủ tục hành chính về phá thai quá đơn giản nên nhiêu cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai không quản lý được đối tượng đến phá thai như: tên, tuổi, địa chỉ nơi cư trú.... Một số thì lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính v.v....
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Bách cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của vị thành niên, thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản và những hậu quả nguy hiểm của việc phá thai, thì rất cần có những hành lang pháp lý quy định về phá thai.
Ông Bách dẫn giải: Chẳng hạn như quy định về điều kiện phá thai có thể áp dụng theo 2 phương án như sau:
Phương án 1: Tuổi thai dưới 12 tuần tuổi được phá thai, trừ một số trường hợp sau: Phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng trong cho sức khỏe của người được phá thai.
Cấm phá thai khi tuổi thai từ 12 tuần tuổi trở lên, trừ các trường hợp: Mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; do thất bại trong sử dụng các biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; do loạn luân, do bị hiếp dâm, người chưa thành niên, chưa kết hôn hoặc có những bằng chứng về nguy cơ sinh ra đứa trẻ có dị tật hoặc có nguy cơ phát triển không bình thường.
Phương án 2: Được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người được phá thai.
Phụ nữ có quyền phá thai an toàn cụ thể như sau: Được tự nguyện quyết định việc phá thai khi đáp ứng các điều kiện về phá thai quy định của pháp luật.
Được tư vấn về việc chỉ nên phá thai trong trường hợp cần thiết, được cung cấp thông tin về phá thai, các tai biến, nguy cơ có thể gặp, cách tự chăm sóc sau thủ thuật phá thai và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp ngay sau khi thủ thuật phá thai.